Chắc chắn rằng không một ai trong chúng ta muốn đối mặt với tình trạng vỡ nợ. Tuy nhiên, trong trường hợp không may buộc phải đối diện với tình trạng như vậy thì sẽ rất hữu ích nếu bạn biết phải làm gì.
Bạn có thể vay một khoản nợ ngân hàng để thực hiện những giao dịch mua giá trị, chẳng hạn như mua nhà, ô tô hoặc đi học đại học. Tuy nhiên, nếu bạn chậm thanh toán, khoản vay của bạn có thể bị vỡ nợ và điều này có thể dẫn đến một số hậu quả nghiêm trọng.
Hiểu đúng về vỡ nợ và cách phòng tránh cũng như khắc phục sẽ giúp ích đáng kể để chúng ta xây dựng tài chính cá nhân lành mạnh.
Khi nào được xem là vỡ nợ?
Việc vỡ nợ đối với khoản vay xảy ra khi bạn bỏ lỡ các khoản thanh toán trong một khoảng thời gian nhất định. Nói cách khác, việc không tuân thủ hợp đồng cho vay cuối cùng có thể đẩy khoản vay của bạn vào tình trạng vỡ nợ.
Rủi ro vỡ nợ luôn tồn tại, nhất là với những khoản vay lớn. (Nguồn: CNBC)
Trước khi bạn chính thức không trả được khoản vay, thường có một thời gian gia hạn, được gọi là quá hạn thanh toán – cần phân biệt giữa việc không thanh toán và không trả được khoản vay. Độ dài của thời gian quá hạn thay đổi tùy theo khoản vay của bạn, nhưng nó sẽ bắt đầu ngay sau khi bạn bỏ lỡ khoản thanh toán theo quy định trong hợp đồng.
Việc không trả được khoản vay có thể làm tổn hại đáng kể đến điểm tín dụng của bạn, khiến bạn mất rất nhiều vào khoản tiền lãi tích lũy và thậm chí, bạn cũng có thể không nhận được bất cứ khoản vay khác trong tương lai.
Nếu bạn không trả được khoản vay có bảo đảm, người cho vay (thường là ngân hàng) có thể có quyền thu hồi tài sản thế chấp của bạn. Ví dụ, nếu bạn không trả được các khoản thanh toán thế chấp của mình, người cho vay có thể tịch thu nhà của bạn. Nếu bạn không trả được nợ không có bảo đảm, người cho vay không thể đòi tài sản của bạn ngay lập tức nhưng họ cũng có thể thực hiện các hành động pháp lý để siết nợ.
Kiểm soát thời gian khi đối mặt nguy cơ vỡ nợ
Tùy vào hợp đồng vay nợ bạn đã ký trước đó, số ngày giới hạn từ khi bạn chậm thanh toán cho đến khi vỡ nợ sẽ có thể không giống nhau. Tuy nhiên, điều cần chú ý là nếu bạn đang chậm thanh toán hoặc lo sợ điều đó có thể xảy ra, hãy liên hệ với người cho vay của bạn ngay lập tức.
Hỏi họ về các tùy chọn trì hoãn, liên quan đến việc tạm dừng các nghĩa vụ thanh toán của bạn trong một khoảng thời gian nhất định. Ngay cả một khoản hoãn thanh toán ngắn hạn cũng có thể cho bạn đủ thời gian để quay lại đúng hướng với các nỗ lực trả nợ đúng thời hạn.
Nếu người cho vay của bạn không cho phép hoãn lại thì chắc chắn bạn sẽ đối diện một khoảng thời gian khó khăn.
Điều quan trọng là, việc không trả được nợ kịp thời khi vay không phải là một tội lỗi nếu bạn đã cố hết sức. Hãy bình tĩnh và kiên nhẫn để làm những gì có thể nhằm giải quyết vấn đề tài chính tồi tệ này thay vì lo sợ hay suy sụp.
Làm thế nào để thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ?
Ông Ryan Cicchelli, người sáng lập Công ty Bảo hiểm Thế hệ & Dịch vụ Tài chính của Mỹ cho biết: “Giao tiếp là thành phần quan trọng nhất. Miễn là bạn giữ liên lạc thường xuyên với bên cho vay và tận dụng mọi sự hỗ trợ, giải pháp mà họ có thể cung cấp thì khả năng vỡ nợ đối với một khoản vay sẽ giảm đi đáng kể”.
Nếu bạn đang phải đối mặt với việc vỡ nợ đối với các khoản vay của mình, hãy xem xét hợp nhất khoản vay. Khi bạn hợp nhất các khoản vay của mình, bạn sẽ nhận được khoản vay từ một người cho vay với tổng số nợ mà bạn muốn hợp nhất. Sau đó, bạn sử dụng số tiền đó để trả các khoản nợ cá nhân, nhỏ hơn.
Cuối cùng, bạn có tất cả các khoản nợ của mình được chuyển thành một khoản thanh toán hàng tháng, một thời hạn trả nợ và lãi suất thấp hơn về lâu dài.
Các lựa chọn khác bao gồm làm việc với nhân viên tư vấn tín dụng. Tùy thuộc vào quy mô khoản vay không trả được của bạn, bạn cũng có thể coi phá sản là một lựa chọn cuối cùng.