Nếu một phần mục tiêu của bạn trong năm nay đòi hỏi phải có được tình hình tài chính tốt nhất trong đời, thì có lẽ bạn đã bắt đầu nghĩ về ngân sách. Một trong những chiến lược ngân sách phổ biến nhất là quy tắc 50/30/20.
Mục tiêu của quy tắc 50/30/20 là chi tiêu 50% ngân sách cho nhu cầu, 30% cho mong muốn và dành 20% cho tiết kiệm.
Tuy vậy, đối với một số người, việc phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn có thể là một thách thức. Nó cũng có thể khó khăn hơn khi nhu cầu và mong muốn của bạn không phù hợp với những người khác (thành viên trong gia đình hoặc đơn giản là mức sống khác nhau ở các khu vực khác nhau).
Trên thực tế, nhu cầu có thể thay đổi không chỉ theo khu vực địa lý và quy mô gia đình mà còn do một số yếu tố khác.
Điều quan trọng nhất khi lập và tuân thủ kế hoạch ngân sách là đặt ra những kỳ vọng thực tế cho bản thân và tạo cho mình một số khoảng trống để linh động. Dưới đây là một số mẹo để xác định điều bạn cầu và điều bạn muốn để bạn có thể định hình ngân sách của mình hợp lý nhất, theo bài viết trên Nasdaq.
Quản lý được chi tiêu bạn thực sự cần và các khoản tùy ý sẽ giúp kế hoạch ngân sách theo ý muốn. (Nguồn: Yahoo Finance)
Hiểu những gì bạn cần?
Những khoản chi tiêu bạn thực sự cần được định nghĩa là “nhu cầu”, là chi phí sinh hoạt hàng ngày của bạn. Lý tưởng nhất là bạn sẽ chi tiêu khoảng một nửa ngân sách của mình cho những nhu yếu phẩm này mỗi tháng. Điều trở nên khó khăn là khi bạn có những nhu cầu không thường xuyên hoặc tốn kém hơn so với người bình thường, chẳng hạn như chi phí y tế liên quan đến một căn bệnh hoặc chấn thương bất ngờ.
Các nhu cầu thường bao gồm nhưng không giới hạn ở: Thanh toán tiền thuê nhà hoặc mua nhà trả góp, chi phí bảo hiểm y tế, chi phí vận chuyển (tiền xe, bảo hiểm, xăng,…), mua hàng ở cửa hàng tạp hóa và hóa đơn thực phẩm, chi phí liên quan đến công việc, nuôi con nhỏ,…
Các chi phí cần thiết bổ sung có thể không áp dụng cho tất cả mọi người là chi phí pháp lý (cấp dưỡng con cái, thuế quá hạn, cấp dưỡng cho vợ/chồng) và các chi phí liên quan đến học phí, các khóa học nâng cao. Trong một số trường hợp, việc thanh toán cho những chi phí bổ sung này có thể khiến bạn vượt quá 50% ngân sách cần thiết. Quy tắc 50/30/20 không phải là một tỷ lệ bắt buộc mà chỉ mang tính chất tham khảo, do đó nếu bạn không thể quản lý chi tiêu cho các khoản mình cần trong khoảng 50%, hãy thay đổi.
Chi tiêu cho các khoản mong muốn là gì?
Trong khi đó, chi tiêu cho những mong muốn của một cá nhân được xác định là mọi thứ khác chi tiêu bạn cần – tùy ý hoặc chi phí không cần thiết nhưng khiến bạn vui vẻ, thư giãn.
Những khoản chi theo ý muốn, sở thích thường bao gồm chi tiền cho hoạt động giải trí (các buổi hòa nhạc, đi công viên giải trí, đi chơi, đi ăn nhà hàng, du lịch, truyền hình cáp, quần áo (dù đã đủ mặc), các dịch vụ bổ sung khác. Điều quan trọng bạn cần nhớ ở đây là một ngân sách thành công thường không yêu cầu bạn phải cắt bỏ hoàn toàn tất cả những khoản chi khiến bạn hài lòng. Ngân sách của bạn sẽ cho phép bạn vẫn chi tiền cho những thứ mà bạn thích trong chừng mực.
Ngoài mong muốn và nhu cầu, quy tắc lập ngân sách 50/30/20 kêu gọi dành 20% cho khoản tiết kiệm. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta mang những khoản nợ đáng kể. Nhiều chuyên gia tài chính khuyên bạn nên sử dụng phần tiết kiệm 20% để trả nợ trước khi sử dụng nó cho quỹ khẩn cấp hoặc tiết kiệm để nghỉ hưu sau này.
Làm cách nào để giảm chi tiêu cho những gì bạn muốn?
Một trong những điều khó nhất đối với mọi người là giảm chi tiêu “muốn” của họ. Tuy nhiên, có một số mẹo và thủ thuật để giảm chi tiêu tùy ý của bạn.
Đầu tiên, bạn cần viết ra thu nhập và chi phí của mình. Xem có bao nhiêu trong tổng số tiền trung bình bạn chi tiêu mỗi tháng có thể cắt giảm được. Các dịch vụ đăng ký được khấu trừ trực tiếp từ thẻ tín dụng hoặc tài khoản của bạn là thủ phạm phổ biến của việc chi tiêu không cần thiết và dễ bị lãng quên.
Tiếp theo, bạn có thể phát triển một hệ thống phần thưởng cho chính mình. Đặt mục tiêu chi tiêu với các ưu đãi khi bạn đạt được chúng. Nhiều người bị chi phối bởi phần thưởng. Giả sử mục tiêu của bạn là chi tiêu ít hơn cho việc đi ăn ngoài, bạn có thể quyết định chiêu đãi bản thân một bữa tối ở ngoài sau khi ăn ở nhà trong suốt 1 tuần.
Cuối cùng, bạn có thể quyết định để thẻ tín dụng ở nhà nếu bạn đi đến trung tâm mua sắm hoặc cửa hàng bán lẻ. Loại bỏ cám dỗ “vung tay quá trán” có thể giúp bạn đi đúng hướng và tiết kiệm ngân sách.
Khi bạn bắt đầu xác định đúng những gì mình muốn và những gì mình cần, có thể lập ngân sách nhưng đừng quá khắt khe vì không có kế hoạch nào áp dụng chung cho tất cả mọi người.