Đối với những ai đang sử dụng thẻ tín dụng Visa/Mastercard/JCB/Unionpay thì không lạ lẫm gì với dãy số ở mặt sau thẻ là mã CVV/CVC. Vậy mã số CVV/CVC là gì mà rất nhiều chuyên gia tài chính luôn khuyên các bạn rằng tại sao nên bảo mật tuyệt đối dãy số này và không tiết lộ cho bất kỳ ai.
Mình cũng có chia sẻ thêm câu chuyện của mình đã bị mất tiền qua thẻ tín dụng như thế nào mặc dù mình đã không tiết lộ mã CVV/CVC cho bất kỳ ai.
Mã số CVV/CVC là gì?
CVV/CVC là chữ viết tắt của Card Verification Value hoặc Card Cerification Code. Đây là một loại mã dùng để xác thực quyền sở hữu của chủ thẻ khi dùng nó để thanh toán mua hàng trực tuyến. Mã số bảo mật này sẽ gắn liền với dòng đời của thẻ, nếu thẻ hết hạn và bạn được cấp thẻ mới thì mã CVV/CVC cũng được thay đổi theo.
Mã này thông thường có 3 chữ số và được in ở mặt sau của thẻ. Tuy nhiên, hiện nay mình có thấy một vài thẻ có in đến 5 số ở mặt sau, trong trường hợp này các bạn chỉ lấy 3 số cuối thôi.
Chức năng của mã CVV/CVC là gì?
CVV/CVC được sinh ra để chủ thẻ nhập vào để xác minh danh tính của chủ thẻ. Bởi lẻ nếu không có dãy số bảo mật CVV/CVC này thì bất kỳ ai biết được số thẻ, ngày hết hạn thẻ là đã dùng chúng để mua sắm được rồi. Việc có thêm bước xác minh bằng mã số này sẽ giúp hạn chế được tội phạm công nghệ cao nhằm chiếm đoạt tiền của chủ thẻ tín dụng, thẻ thanh toán.
Mã CVV/CVC chỉ được dùng đến khi chủ thẻ thực hiện giao dịch trực tuyến online, còn nếu bạn dùng để giao dịch offline tại cửa hàng, siêu thị thì không cần đến mã CVV này.
Sự khác nhau giữa CVV/CVC
Thật ra thì về bản chất không có sự khác nhau giữa CVV và CVC, chúng đều có chung đặc điểm là dùng để bảo mật thẻ khi cần thanh toán. Chúng chỉ có khác nhau ở chỗ là mỗi tổ chức tín dụng dùng theo một cách gọi khác nhau.
Điển hình như thẻ tín dụng mang thương hiệu Visa thì gọi mã này là CVV, còn thẻ tín dụng có gắn logo của Mastercard thì mã này được gọi là CVC.
Ngoài ra, còn một tên gọi khác nữa của mã này là CID (Card Identification Number). Cách gọi này là của American Express. Chính vì sự lộn xộn về cách gọi mà nhiều tổ chức tài chính đã đưa ra đề xuất là nên sử dụng chung một tên gọi là CSC – Card Security Code (mã bảo mật thẻ). Tuy nhiên, nhiều tổ chức tín dụng có vẻ không thích tên gọi này lắm hoặc có thể họ ngại thay đổi cũng có.
Hướng dẫn dùng mã số CVV/CVC để thanh toán online
Trong thời đại 4.0 hiện nay, khách hàng đang có xu hướng thích việc thanh toán qua thẻ khi mua sắm online, vì thế mà mã số CVV và CVC ngày càng được sử dụng nhiều hơn.
Vậy bạn đã biết cách sử dụng mã an toàn, hay còn đang mơ hồ?
Các website, ứng dụng này sẽ yêu cầu bạn nhập 4 thông tin sau:
- Họ và tên: Là họ và tên chủ thẻ được in trên thẻ, tên này được viết IN HOA và không dấu.
- Số thẻ: Thường là dãy số gồm 16 số được in trên mặt trước của thẻ thanh toán.
- Ngày hết hạn: Thông thường ở ô này chúng sẽ có định dạng mm/yy (ví dụ: 07/26 là tháng 07 năm 2026). Tiếng anh sẽ là Valid Thru hoặc Good Thru hoặc Expiration Date.
- Ngày phát hành: Thông thường thì ít nơi yêu cầu nhập cái này thì không phải thẻ nào cũng được in mã này lên trên thẻ. Nếu có thì các bạn cứ nhập theo đúng định dạng như ngày hết hạn bạn nhé. Tiếng anh sẽ là Member Since.
Trên đây là các bước sử dụng mã số CVV/CVC để thanh toán khi mua sắm trực tuyến, có nghĩa là bạn chỉ cần nhập thông tin thẻ và số CVV/CVC là có thể thanh toán được, không cần nhập mã PIN.
Vì thế, hai loại mã rất quan trọng đối với bạn và nó đang là mục tiêu của nhiều kẻ gian, bạn tuyệt đối không nên để cho người lạ biết được mã thẻ và mã CVV/CVC để bảo đảm an toàn bảo mật nhé.
Bị lộ số CVV/CVC có bị mất tiền không?
Thật ra nếu chỉ lộ số CVV/CVC không thì bạn không thể nào mất tiền được. Nhưng nếu như bạn lộ số CVV/CVC và lộ thêm các thông tin khác nữa bao gồm Họ và tên, số thẻ, ngày hết hạn thì khả năng bạn bị kẻ gian trục lợi lấy tiền là việc hoàn toàn có thể xảy ra.
Những thông tin cơ bản như Họ và tên, Số thẻ, Ngày hết hạn vì chúng được in công khai trên mặt trước thẻ nên việc bạn bị vô tình cho người khác nhìn thấy là chuyện rất dễ xảy ra. Do đó, mã bảo mật CVC là mã tuyệt đối chỉ cung cấp khi chính bạn là người thực hiện giao dịch, không cung cấp cho bất kỳ ai mã CVC này.
Tôi đã bị mất tiền dù không tiết lộ số CVV/CVC
Đây là câu chuyện có thật của mình vào thời điểm năm 2019. Lúc đó, có một bạn sale của một công ty gọi đến cho mình để chào giới thiệu về một chiếc thẻ. Nếu anh sở hữu cái thẻ này thì anh sẽ được giảm giá khi khách hàng đặt nhà hàng, vé máy bay, tour du lịch… bla bla. Thẻ này có giá chỉ 2 triệu thôi, nhưng ưu đãi anh nhận được khi sử dụng dịch vụ sẽ nhiều hơn rất nhiều.
OK, mình quan tâm. Bạn đó nói thêm là chương trình này chỉ áp dụng cho những khách hàng nào sở hữu một vài đầu số nhất định thôi. Đề nghị mình chia sẻ 4 số đầu và 4 số cuối của thẻ tín dụng. Mình nghĩ, ok dãy số này tiết lộ cũng không sao.
Nhưng không rõ bạn đó nói gì mà mình lại đọc luôn cả dãy 16 số thẻ và ngày hết bạn. Đương nhiên là họ và tên mình thì bạn sale đó đã có trong data. Lúc đó trong đầu mình chỉ nghĩ, cứ miễn không đọc số CVV/CVC phía sau thì an toàn.
Cuối cùng, dù mình KHÔNG tiết lộ số CVV/CVC nhưng thẻ tín dụng mình vẫn bị trừ tiền 2 triệu đồng. Thật ra là 2 triệu mấy nhưng mình nói 2 triệu cho chẵn. Lúc đó, mình mới định hình lại, lập tức khoá thẻ và xem thử chuyện gì đang xảy ra.
Lên Google Search và phát hiện ra có một phương thức thanh toán có tên là MOTO (Mail Order Telephone Order). Đây là kênh thanh toán mà ngân hàng cấp cho các đơn vị chấp nhận thẻ như khách sạn, resort chỉ cần có thông tin Số thẻ, Ngày hết hạn và Họ tên chủ thẻ là có thể trừ tiền được rồi. Đương nhiên là thông tin đó phải được cung cấp bởi chính chủ thẻ qua điện thoại hoặc email.
Nếu so qua vấn đề của mình thì đích thị là nó rồi, mình đã cung cấp thông tin đầy đủ và trung thực cho bọn làm ăn bất nhân này. Tuy nhiên, nếu mình làm căng lên vẫn có thể lấy lại tiền nhưng thôi xem như một bài học quý giá cho bản thân. Mình gọi lên Hotline ngân hàng để xin đổi sang một thẻ mới với số thẻ và mã CVV mới hoàn toàn.
Chia sẻ thêm là sau đó mình nhận được thẻ ưu đãi của bọn bất nhất nhân đó, gửi về bưu điện cho mình. Nhưng khi dùng thì chẳng có ưu đãi gì cả.
Những dấu hiệu cho thấy bạn đã bị lộ số CVV/CVC
Nhận được mã OTP
Phần lớn các giao dịch online hiện nay khi khách hàng thực hiện giao dịch đầu tiền bằng thẻ tín dụng đều yêu cầu nhập mã OTP. Do đó, bạn vô tình nhận được mã OTP được gửi về điện thoại thì hãy cân nhắc kiểm tra lại tài khoản vì rất có khả năng thông tin tài khoản, thông tin thẻ của bạn đã bị lộ rồi đó.
Bị trừ tiền bất hợp pháp
Điều tồi tệ hơn xảy ra khi bị trừ tiền liên mà chưa kịp định hình được chuyện gì đang xảy. Nếu gặp những trường hợp như thế này thì nhanh chóng khoá thẻ. Liên hệ ngay ngân hàng của bạn để thực hiện tra soát lại giao dịch này.
Bảo mật số CVV/CVC như thế nào cho an toàn?
- Tuyệt đối không cung cấp mã số CVV/CVC cho bất kỳ cá nhân nào, chỉ nhập vào online khi chính bạn là người thực hiện giao dịch.
- Chỉ thực hiện mua hàng trên website mà bạn tin tưởng, đặc điểm nhận dạng là tên miền sẽ có định dạng là https://www thay vì http://www. Quan sát phía trước domain sẽ có biểu tượng ổ khoá màu xanh được khoá, nếu màu đỏ ổ khoá mở ra thì trang web đó không an toàn.
- Khi nhận được thẻ tín dụng, hãy dùng miếng dán nhỏ để dán lại mặt sau thẻ đủ để che được 3 số bảo mật CVV/CVC này. Nhiều ngân hàng khi chuyển thẻ đến khách hàng có sẵn miến dán này luôn.
- Khi đưa thẻ cho nhân viên quẹt tại cửa hàng nên quay mặt sau thẻ xuống dưới để tránh camera an ninh của quầy thanh toán ghi lại được.
- Không livestream, quay phim, chụp hình khi đang cầm thẻ tín dụng trên tay, nếu có quay thì nên dán kỹ các thông tin lại trước khi thực hiện.
- Không đưa thẻ, giao thẻ cho bất kỳ ai kể cả người thân để tránh các sự cố lộ thông tin đáng tiếc xảy ra.
Mong là sau bài viết này các bạn sẽ hiểu được mã số CVV/CVC là gì và rút ra được kinh nghiệm từ bài học mất tiền của mình.
Tổng hợp