Giá cả các mặt hàng đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Ở Mỹ, Bộ Nông nghiệp nước này dự đoán rằng giá thực phẩm nấu tại nhà sẽ tăng từ 10 đến 11% và giá thực phẩm mua ngoài từ 6,5 đến 7,5% vào năm 2022.
Tất cả chúng ta đã thấy vấn đề ở siêu thị và các khu chợ lớn, giá cả thực phẩm đã tăng lên đáng kể so với trước đây. Dù mỗi thực phẩm, hàng hóa chỉ chênh một chút thì rõ ràng, khi cộng tất cả lại, hóa đơn của bạn sẽ tăng đáng kể. Đây là một bài toán khó cho nỗ lực tiết kiệm chi tiêu.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều cách để bạn có thể giảm hóa đơn thực phẩm, hàng tạp hóa mà không phải hy sinh sở thích hay óc sáng tạo trong nhà bếp. Dưới đây là 5 cách để tiết kiệm chi phí thực phẩm được chuyên gia đúc kết lại trên Busines Insider.
1. Làm nhiều món ăn có nguồn gốc thực vật hơn
Rau quả không chỉ tốt hơn cho sức khỏe và môi trường mà còn tốt cho túi tiền của bạn. Nhìn chung, thực phẩm có giá cả phải chăng hơn các loại thịt. Những loại thực phẩm nhiều dinh dưỡng như bí ngô, cà tím và nấm còn có thể thay thế cho thịt trong bữa ăn gia đình.
Ví dụ, sử dụng cà tím cắt thành hình khối và nấu ăn chắc chắn sẽ rẻ hơn thịt bò xay. Ngoài ra, thêm rau vào nước sốt làm từ thịt sẽ khiến bạn tăng cảm giác ngon miệng, đồng thời bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe trong khi vẫn tiết kiệm tiền.
2. Tận dụng các món chính, đồ ăn thừa cũng là cách để tiết kiệm
Giảm ngân sách cho cửa hàng tạp hóa của bạn không có nghĩa là cắt giảm khả năng sáng tạo. Trên thực tế, bạn có thể biến tấu ra rất nhiều món ngon chỉ từ những nguyên liệu cơ bản, chẳng hạn như cơm gạo. Hầu hết các nền văn hóa trên thế giới đều sử dụng gạo, và đó là một phương pháp thú vị để khám phá và thử nghiệm các công thức nấu ăn mới, vừa ngon lại vừa tiết kiệm.
Giả sử, bữa đầu tiên bạn nấu cơm dùng cho cả ngày, bữa trưa có thể ăn cơm với canh hầm và thịt gà, bữa tối hoàn toàn có thể dùng cơm thừa và thịt gà còn lại để làm cơm rang, cơm gà sốt hoặc tương tự. Việc không lãng phí thực phẩm trong khi vẫn đảm bảo ngon miệng chắc chắn sẽ giúp bạn tiết kiệm đáng kể số tiền dành cho chi tiêu thực phẩm, sinh hoạt.
3. Mua thực phẩm chưa sơ chế
Ở những thành phố lớn, hầu hết các thực phẩm đều đã được sơ chế, thậm chí cắt sẵn và cắt nhỏ theo mục đích món ăn, và như lẽ dĩ nhiên, giá của các loại thực phẩm này được tính cao hơn nhiều so với các sản phẩm vẫn chưa sơ chế. Bạn có thể phải mất thêm vài phút, nhưng mua toàn bộ sản phẩm và tự cắt gọt nó sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền.
Cắt rau củ tại nhà chỉ mất thêm vài phút và sẽ giúp bạn tiết kiệm kha khá, thay vì mua các loại đồ hộp như đậu đóng hộp, tại sao bạn không thử tự ngâm chúng từ đêm hôm trước và chế biến – vừa tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền lại ngon miệng và bổ dưỡng hơn nhiều so với các sản phẩm chế biến sẵn.
4. Mua sắm với số lượng lớn giúp tiết kiệm đáng kể
Đối với những người yêu thích granola, đậu, ngũ cốc và các loại hạt bổ dưỡng thì kiểm soát số lượng khẩu phần mua mỗi lần đi siêu thị hoặc đặt hàng là cách để tránh lãng phí. Bạn nên kiểm tra và so sánh giá, chẳng hạn một gói ngũ cốc 500gram có giá 100 ngàn, trong khi gói 1kg chỉ có 170 ngàn, vậy thì bạn biết rằng nên mua khẩu phần nào có lợi cho mình.
Dĩ nhiên phương pháp này chỉ nên áp dụng đối với các thực phẩm, hàng hóa mà bạn và gia đình sử dụng thường xuyên hoặc gia đình có đông người, nếu không, mua nhiều nhưng không sử dụng hết vẫn sẽ tốn kém, vừa không tiết kiệm lại vừa lãng phí thực phẩm nếu để hỏng.
5. Chọn thương hiệu cửa hàng, siêu thị
Nhiều loại thực phẩm có thương hiệu mà bạn nhìn thấy ở cửa hàng tạp hóa thực chất không khác gì ngoài siêu thị lớn, chất lượng cũng không chênh lệch, nhưng rõ ràng giá cả ở siêu thị có thể đắt hơn. Vậy điều gì tạo nên sự chênh lệch giá này – đó là ngân sách tiếp thị và xây dựng thương hiệu. Do đó, đừng quá kiên quyết với một lựa chọn, trong thời điểm cần tiết kiệm chi tiêu, hãy cân nhắc đến nhiều lựa chọn giá cả có lợi hơn.