Theo Business Insider, với rất nhiều người, khi nghĩ về tài khoản tiết kiệm thì thường chỉ “tặc lưỡi” bỏ qua vì họ hoàn toàn không có thói quen này. Nguyên nhân có thể là vì từ thời niên thiếu đã luôn được rủng rỉnh về tiền bạc: cha mẹ cung cấp, có công việc làm thêm và công việc chính thức, v.v.
Trên thực tế, khi bạn sống trong điều kiện như vậy thì có khả năng không hề chú ý tới tiền tiết kiệm do cảm thấy nó không thực cần thiết.
Tuy nhiên, rõ ràng việc để dành tiền tiết kiệm là thói quen tốt, giúp chúng ta ứng phó với các tình huống bất khả kháng như ốm đau, thiên tai và dịch bệnh. Nếu bạn chưa từng hoặc rất ít khi tiết kiệm, hãy rèn luyện thói quen tốt này bằng những phương pháp hữu ích nhé.
Một số rào cản ảnh hưởng đến việc tiết kiệm
Trước khi mở tài khoản tiết kiệm, bạn cần tự phân tích tâm lí một chút để tìm ra lí do tại sao gặp “rắc rối” mỗi lúc nghĩ đến việc để tiết kiệm.
Ba vấn đề chính có thể bao gồm: không đủ tiền để tiết kiệm do thu nhập thấp hoặc có quá nhiều khoản phải chi tiêu; không coi trọng việc để tiết kiệm vì cho rằng vài trăm nghìn hay một triệu mỗi tháng không đáng kể, không đủ để làm việc lớn; quên để tiết kiệm do không chú ý (không chuyển tiền vào tài khoản, khi nhớ lại thì chọn bỏ qua).
Để khắc phục những vấn đề này, điều quan trọng là bạn phải tập tạo thói quen tiết kiệm cho dù chỉ bằng số tiền nhỏ. Bên cạnh đó, hãy luôn thừa nhận và ghi nhớ rằng tiền tiết kiệm là khoản tiền của tương lai, giúp bạn yên tâm hơn và có khả năng xử lí nhiều vấn đề phát sinh đột ngột.
Ví dụ, tiết kiệm được 5 triệu một năm chẳng là gì so với những khoản chi tiêu kếch xù, cho một kế hoạch đi du lịch nước ngoài, v.v. nhưng ít nhất bạn sẽ cảm thấy có một sự hứa hẹn, một triển vọng nhất định.
Làm sao để rèn luyện thói quen tiết kiệm chỉ với 100 nghìn mỗi tuần?
Câu trả lời cho câu hỏi này là bạn hãy bắt đầu từ những khoản tiền tiết kiệm nhỏ, chủ yếu là nhằm tạo thói quen. Bạn có thể thử quy định để tiết kiệm 100 nghìn mỗi tuần nhưng gửi liên tục, không để gián đoạn trong vài tháng.
Bạn phải tự lưu ý, nhắc nhở bản thân không vì bất cứ lí do nào mà bỏ lỡ. Thói quen tiết kiệm sẽ hình thành dần dần và sau đó, bạn hoàn toàn có thể tự kiểm soát, gửi vào nhiều hơn tuỳ thuộc vào khả năng tài chính, thu nhập của bản thân.
Một cách hiệu quả khác là bạn có thể cùng thực hiện rèn luyện thói quen tiết kiệm với người bạn đời của mình hoặc các con hay bạn bè. Đặt ra mục tiêu chung và mọi người đều nỗ lực để đạt được mục tiêu tiết kiệm của mình.
Bạn có thể chọn hình thức tiết kiệm bằng cách gửi tiền cho con gái/con trai của mình khoảng 100 nghìn một tuần, lời hứa với các bé sẽ khiến bạn tập trung và không thể quên. Đây cũng là cách rèn luyện tiết kiệm rất tốt.
Ngoài ra, bạn có thể lập thêm khoản tiết kiệm cho các buổi tiệc sinh nhật, các sự kiện cố định khác trong năm. Đến cuối cùng, có thể bạn sẽ bất ngờ vì số tiền mình để dành được.
Tiết kiệm cho chính bản thân mình
Khi bạn thấy mình đã nắm được nhịp điệu, đã quen để tiền tiết kiệm, hãy bắt đầu tiết kiệm cho chính bản thân mình với khoản tiền nhiều hơn. Bạn có thể mở sổ tiết kiệm/tài khoản tiết kiệm online bằng tên mình, chuyển vào đó 500 hoặc 1 triệu đồng mỗi tháng (ít nhất). Số tiền đó tưởng như không nhiều nhưng sau một năm nhìn lại, bạn sẽ có một khoản kha khá.
Thay vì tiêu hết số tiền đã kiếm được, bạn có thể có hơn 10 triệu mỗi năm. Mặc dù đó không phải là số tiền thay đổi cuộc sống hay tương lai của bạn nhưng chắc chắn nó sẽ giúp bạn ứng phó trong nhiều trường hợp.