Rút tiền tại ATM bằng CMND gắn chip có thật không?
Hiện tại, việc rút tiền tại ATM bằng căn cước công dân gắn chip mới được thí điểm tại một số chi nhánh ngân hàng BIDV, VietinBank tại Hà Nội và Quảng Ninh…
Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (Bộ Công an) vừa thí điểm ứng dụng thẻ gắn chip thay thế thẻ ATM tại một số chi nhánh ở Hà Nội và Quảng Ninh. Trong đó, BIDV và VietinBank là những ngân hàng đầu tiên tham gia thí điểm dịch vụ này.
Theo đó, bằng công nghệ xác thực khách hàng thông qua dữ liệu sinh trắc học kết nối trực tiếp với dữ liệu công dân quốc gia, việc sử dụng căn cước công dân có gắn chip sẽ giúp khách hàng giảm thiểu mọi nguy cơ giả mạo thẻ, đảm bảo an toàn tối đa trong các giao dịch tài chính.
Khi khách hàng quét căn cước công dân tại ATM, hệ thống ngay lập tức kiểm tra và đối chiếu thông tin trên căn cước công dân gắn chip, đảm bảo thông tin chính xác và tiếp tục xác thực thông tin chính chủ thông qua đối chiếu dữ liệu sinh trắc học của khách hàng bằng hình thức: Quét khuôn mặt và vân tay.
Thời gian xác thực thông tin khách hàng rất nhanh chóng, chỉ từ 6 – 8 giây với mỗi giao dịch. Thậm chí, các khách hàng mới chuyển đổi từ chứng minh nhân dân sang căn cước công dân có gắn chip nhưng chưa cập nhật thông tin với ngân hàng vẫn có thể thực hiện giao dịch rút tiền bình thường.
Dự kiến, trong thời gian tới, hình thức rút tiền mặt này sẽ triển khai mở rộng trên toàn hệ thống ngân hàng cũng như tại nhiều địa phương khác trên cả nước.
Theo Bộ Công an, Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đã đưa vào quản lý cấp số định danh cho 98.713.820 nhân khẩu trên cả nước; thu nhận 69.918.619 hồ sơ và in trả thẻ cho công dân 63.422.126 thẻ căn cước công dân trên toàn quốc.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an khẩn trương triển khai, xây dựng hệ thống định danh và xác thực điện tử trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh để cung cấp các tiện ích, dịch vụ công trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) và tích hợp vào các cổng dịch vụ công góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo sự thuận lợi cho người dân trong thực hiện các giao dịch.
Tính đến ngày 21/4/2022, Bộ công an đã triển khai thu nhận được 392.369 hồ sơ đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử trên phạm vi toàn quốc tại các địa điểm tiếp nhận thủ tục cấp đổi, cấp mới Căn cước công dân gắn chip.
Trong đó ưu tiên cấp định danh điện tử cho 03 nhóm: (i) Học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THCS và THPT quốc gia; (ii) Đối tượng chính sách (người nghèo và cận nghèo, người có công và người được hưởng theo Nghị quyết số 11); (iii) Đối tượng trong độ tuổi ưu tiên với các đơn vị làm về lĩnh vực Công nghệ thông tin, viễn thông, cán bộ công chức, viên chức, lao động của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và công nhân viên.
Để thực hiện rút tiền tại cây ATM, khách hàng có thể thực hiện theo 6 bước.
Bước 1: khách hàng lựa chọn chức năng rút tiền không dùng thẻ tại màn hình của ATM.
Bước 2: nhấn chọn rút tiền bằng căn cước công dân gắn chip.
Bước 3: đặt thẻ căn cước công dân lên đầu đọc thẻ và nhìn trực tiếp vào camera giao dịch của máy ATM, màn hình giao diện sẽ hiển thị các các xác thực như xác thực gương mặt, vân tay… để nhận diện và nhấn tiếp tục để xác nhận thực hiện thao tác.
Bước 4: sau khi xác thực thành công, khách hàng nhập PIN thẻ tương ứng với tài khoản cần rút tiền.
Bước 5: khách hàng chọn hoặc nhập số tiền cần rút trên màn hình ATM.
Bước 6: ATM sẽ trả tiền và biên lai (nếu có) cho người sử dụng và kết thúc giao dịch.
Lừa đảo từ tài khoản ngân hàng không chính chủ
CCCD gắn chíp tích hợp dịch vụ ngân hàng được kỳ vọng sẽ giúp giảm rủi ro, gia tăng an toàn khi giao dịch ngân hàng. Bởi thực tế thời gian vừa qua, lợi dụng các tài khoản ngân hàng không chính chủ, sử dụng chứng minh nhân dân giả, nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội. Hoạt động của chúng giờ đây không chỉ lừa người dân mà nghiêm trọng hơn còn lừa cả ngân hàng.
Sử dụng CMND của người khác có khuôn mặt gần giống với mình đó là cách mà các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài khoản của nhiều cá nhân.
Bị can Trần Thùy Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã sử dụng chứng minh nhân dân của 3 người khác có những điểm tương đồng về khuôn mặt của mình để mở 7 tài khoản ngân hàng với mục đích làm tài khoản trung gian nhận tiền từ các tài khoản chiếm đoạt được.
Với thủ đoạn này, Trần Thùy Anh đã 8 lần đến ngân hàng rút tiền mà không hề gặp khó khăn gì, lần rút tiền nhiều nhất là 4 tỷ đồng.
“Nhân viên có hỏi là khuôn mặt trong chứng minh nhân dân trông trẻ hơn tôi bây giờ thì tôi trả lời là do chứng minh nhân dân mở khá lâu rồi nó cũng thay đổi theo thời gian. Xét thấy chữ ký và khuôn mặt na ná giống tôi nên vẫn cho tôi rút tiền”, bị can Trần Thùy Anh nói.
Các đối tượng còn làm giả chứng minh nhân dân dán ảnh mình nhưng tên của người khác để lừa các nhà mạng viễn thông. Mục đích là lấy được sim điện thoại để chiếm quyền truy cập Internet banking. Các đối tượng có được thông tin tài khoản bằng cách lấy trên các trang mạng cá độ bóng đá, lô đề rồi cấu kết với nhân viên ngân hàng để lấy thông tin chứng minh nhân dân, chữ ký của chủ tài khoản.
Tội phạm mạng, tất cả đều được giao dịch qua mạng. Tài khoản ngân hàng là điểm đến cuối cùng để biết được tội phạm là ai. Chính vì vậy, các đối tượng sẽ sử dụng tài khoản không chính chủ để che giấu danh tính của mình. Hầu hết các vụ án sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng đều sử dụng tài khoản không chính chủ.
Có 2 loại tài khoản không chính chủ mà tội phạm mạng thường sử dụng: Thứ nhất là mua tài khoản của người khác để rút tiền qua thẻ; Thứ 2 sử dụng chứng minh nhân dân của người khác hoặc chứng minh nhân dân giả để mở tài khoản rồi tự rút tiền qua thẻ hoặc trực tiếp ở ngân hàng.
Bảo mật thông tin là cực kỳ quan trọng với bất kỳ loại thẻ nào. Trước đây nếu không may bị mất thẻ ATM thì kẻ gian có thể tìm ra được mật mã pin, có thể rút được tiền. Nếu trường hợp mất thẻ CCCD hoặc bị lấy có rủi ro bị mất tiền hay không?
Từ trước đến nay đã có quy định của Ngân hàng Nhà nước về mở và sử dụng thẻ ATM, trách nhiệm của chủ thẻ ATM cũng như bên ngân hàng. Vậy với việc rút tiền bằng thẻ CCCD gắn chip, các quy định pháp lý được quy định cụ thể ra sao?
Xung quanh các vấn đề trên, chương trình Vấn đề hôm nay với sự tham gia của Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân, Bộ Công an đã có những phân tích chi tiết!
Bài viết có sử dụng nguồn từ VTV
1 nhận xét
Rồi từ đó ai làm mất cmnd thì kẻ trộm sẽ láy cmnd vô atm rút tiền trước :))