Tập đoàn FLC cho rằng việc chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán dẫn tới cổ phiếu bị hủy niêm yết có nguyên nhân từ sự kiện khách quan và hoàn cảnh bất khả kháng. Tuy nhiên, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng nguyên nhân chính ở đây là vấn đề chủ quan từ phía FLC.
710 triệu cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết ở HOSE, cổ đông mong ngày được giao dịch ở UPCoM. (Ảnh: Đức Quyền).
Từ ngày 20/2 vừa qua, 710 triệu cổ phiếu của Tập đoàn FLC đã bị hủy niêm yết bắt buộc khỏi Sàn Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) sau 5 tháng bị đình chỉ giao dịch.
Lý do mà HOSE đưa ra là FLC đã “vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở Giao dịch Chứng khoán hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.”
Tập đoàn FLC đã nhiều lần gửi công văn tới Ủy ban Chứng khoán, HOSE cũng như thông báo với cổ đông để giải trình nguyên nhân chậm nộp báo cáo tài chính là do yếu tố “khách quan, bất khả kháng” xuất phát từ vụ việc Chủ tịch Hội đồng quản trị Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam và khởi tố về tội thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, HOSE không chấp nhận lý do này và vẫn ra hủy niêm yết cổ phiếu FLC. Trao đổi riêng với chúng tôi, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, tỏ ý đồng tình với quyết định hủy niêm yết này.
FLC không nộp báo cáo tài chính kiểm toán đúng hạn, cũng không thể cam kết nộp vào một ngày cụ thể sau hạn chót, không biết khi nào mới có thể hoàn thành nghĩa vụ công bố thông tin nhưng FLC vẫn muốn ở lại sàn HOSE. Vậy không lẽ nếu 10 năm nữa FLC chưa có báo cáo kiểm toán thì cổ phiếu vẫn được niêm yết trên sàn hay sao, LS Trương Thanh Đức đặt câu hỏi.
Thực tế trong trường hợp của FLC, tập đoàn này đã ký hợp đồng với công ty kiểm toán từ 5 tháng trước nhưng đến nay chưa đưa ra được báo cáo kiểm toán.
“Thị trường chứng khoán cần phải minh bạch và trong sạch, luật chơi phải rõ ràng. Ai không đáp ứng được quy định thì ‘out’, đừng khiếu nại, thắc mắc, xin xỏ”, Giám đốc Công ty Luật ANVI nói. “Doanh nghiệp khi bị hủy niêm yết thì cứ về giao dịch ở UPCoM, sau này có báo cáo kiểm toán thì lại đủ tiêu chí niêm yết, lại trở về sàn HOSE, doanh nghiệp thực sự tốt vì vẫn tốt. FLC phải chấp nhận luật chơi.”
Ngày 29/3/2022, Chủ tịch Tập đoàn FLC khi đó là ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam về tội thao túng thị trường chứng khoán và che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán. Sang tháng 4, Phó Chủ tịch FLC Hương Trần Kiều Dung và hai em gái của ông Quyết cũng bị bắt vì có liên quan tới vụ án trên.
Ngày 30/3, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đình chỉ tư cách được chấp thuận kiểm toán cho doanh nghiệp niêm yết của Công ty TNHH Kiểm toán – Tư vấn Đất Việt, đơn vị mà FLC đã chọn để kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021.
Sau khi tìm kiếm gần 4 tháng, đến ngày 21/7, FLC ký hợp đồng với Công ty TNHH Kiểm toán An Việt để thay thế Công ty Đất Việt làm nhiệm vụ kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021.
Hai tháng sau, vào ngày 22/9, FLC thông báo chấm dứt hợp đồng với Công ty An Việt với lý do An Việt không bố trí được thời gian và nhân sự để cung cấp dịch vụ theo quy định của hợp đồng đã ký kết. Đồng thời, FLC ký hợp đồng với đơn vị kiểm toán mới là Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY.
Từ 22/9/2022 đến hôm nay 22/2/2023, đã 5 tháng trôi qua và FLC vẫn chưa thể hoàn tất báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 trong khi hạn chót theo quy định là 31/3/2022. FLC cũng chưa công bố báo cáo thường niên 2021, báo cáo tài chính bán niên soát xét 2022, báo cáo tài chính quý IV/2022, chưa tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022.
HOSE hủy niêm yết 710 triệu cổ phiếu FLC từ ngày 22/2.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng những doanh nghiệp phải có vấn đề thì mới khó tìm được công ty kiểm toán. Bình thường các công ty kiểm toán lao vào tranh nhau ký hợp đồng, với công ty niêm yết quy mô lớn thì phí kiểm toán cũng phải tương đối, nhưng ở đây ít ai muốn làm, và có muốn làm cũng khó đưa ra được kết luận kiểm toán.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Luật ANVI. (Ảnh: ANVI).
Theo ông Đức, không loại trừ khả năng công ty kiểm toán mới là bên gặp trở ngại khách quan trong trường hợp này. “Có thể công ty kiểm toán muốn được cung cấp tài liệu mà không được cung cấp, muốn có giải trình mà không nhận được giải trình, muốn biết thông tin chính xác tin cậy mà không được biết, thế là không dám kết luận”.
Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng chỉ ra thực tế rằng FLC và công ty kiểm toán phải ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ, hai bên phải thỏa thuận rất rõ với nhau quá trình kiểm toán kéo dài trong mấy ngày, mấy tháng, kết quả ra sao, …
“Nếu công ty kiểm toán không làm tròn nghĩa vụ hợp đồng và dẫn tới FLC bị hủy niêm yết thì FLC có quyền khởi kiện để đòi bồi thường thiệt hại, nhưng Nhà nước và pháp luật không thể cho phép dừng, hoãn hay miễn hủy niêm yết” vì còn phải đảm bảo quy tắc trên thị trường chứng khoán và lợi ích của nhà đầu tư.