Cổ phiếu FLC đã bị hủy niêm yết khỏi sàn HOSE và đang chờ xem có được đăng ký giao dịch ở thị trường UPCoM hay không. Vấn đề mấu chốt là Tập đoàn FLC phải sớm tháo gỡ nút thắt liên quan tới báo cáo tài chính kiểm toán và khắc phục vi phạm về công bố thông tin.
Vườn thú trong quần thể nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn. (Ảnh: Song Ngọc).
Vấn đề kiểm toán
Theo thống kê đến ngày 2/7/2022, Tập đoàn FLC có 80.459 cổ đông sở hữu 710 triệu cổ phiếu. Cổ đông lớn nhất là cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Trịnh Văn Quyết với tỷ lệ nắm giữ 30,34%, tương ứng với 215,44 triệu cổ phiếu. Các cổ đông còn lại chia nhau sở hữu khoảng 495 triệu cổ phiếu FLC.
Ông Trịnh Văn Quyết đã bị khởi tố và bắt tạm giam gần một năm qua về tội thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không tham dự hay ủy quyền tham dự đại hội cổ đông của Tập đoàn FLC.
Kể từ khi ông Quyết vướng vòng lao lý, Tập đoàn FLC cũng vấp phải nhiều khó khăn liên quan tới hoạt động kinh doanh du lịch – bất động sản cũng như việc tuân thủ nghĩa vụ của doanh nghiệp niêm yết.
Từ ngày 20/2 vừa qua, cổ phiếu FLC đã bị hủy niêm yết khỏi Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) vì chậm công bố hàng loạt thông tin quan trọng như báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, báo cáo thường niên 2021, báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022, báo cáo tài chính quý IV/2022.
FLC thanh minh rằng tập đoàn gặp khó khăn trong việc tìm công ty kiểm toán vì vụ việc của ông Trịnh Văn Quyết khiến các đơn vị kiểm toán e ngại.
Trong thực tế, FLC đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Kiểm toán An Việt và làm việc từ ngày 21/7 đến 22/9 nhưng không cho ra kết quả. Trong 5 tháng từ 22/9/2022 đến nay, FLC làm việc với Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY nhưng cũng chưa thể cho ra báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho biết doanh nghiệp nào bị hủy niêm yết cũng đều có lý do, không trường hợp nào là không có. Điều quan trọng là lý do có thực sự thuyết phục và được pháp luật chấp nhận hay không.
Trong trường hợp của FLC, doanh nghiệp này đã làm việc với hai công ty kiểm toán trong nhiều tháng nhưng không cho ra kết luận về báo cáo tài chính.
Vậy thì phải chăng điểm vướng mắc không phải ở chỗ công ty kiểm toán e ngại vụ ông Trịnh Văn Quyết nên không muốn ký hợp đồng, mà là sổ sách kế toán của FLC có điều gì đó khiến công ty kiểm toán đã vào làm việc rồi nhưng không thể đưa ra kết luận?
Nếu vấn đề nằm ở sổ sách kế toán của chính FLC thì lý do căn bản dẫn tới việc bị hủy niêm yết là chủ quan chứ không còn là yếu tố khách quan, bất khả kháng do việc một cá nhân bị bắt.
Tia hy vọng UPCoM
Khoản 2 Điều 133 Nghị định 155/2020 quy định: Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày hủy bỏ niêm yết có hiệu lực, Sở giao dịch chứng khoán có trách nhiệm phối hợp với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM đối với cổ phiếu vừa bị hủy niêm yết.
Ngày 22/2, tức là hai ngày sau khi FLC bị hủy niêm yết, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã chuyển dữ liệu đăng ký, lưu ký chứng khoán FLC từ thị trường niêm yết HOSE sang thị trường UPCoM.
Tuy nhiên, việc chuyển dữ liệu này chỉ là nghiệp vụ của VSD và không đồng nghĩa với việc cổ phiếu FLC đã được chấp thuận đăng ký giao dịch ở UPCoM. Đơn vị quản lý thị trường UPCoM là Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới có thẩm quyền quyết định cổ phiếu nào được vào UPCoM và cổ phiếu nào phải đứng ngoài.
Một tiền lệ mà nhiều cổ đông FLC đã biết là trường hợp cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros.
Cuối tháng 8/2022, ROS bị hủy niêm yết khỏi HOSE. Sau đó, VSD cũng chuyển dữ liệu đăng ký, lưu ký cổ phiếu ROS từ HOSE đến UPCoM. Tuy nhiên, HNX không chấp thuận cho ROS được đăng ký giao dịch ở UPCoM, nên cổ phiếu này chỉ có thể được mua bán trên thị trường phi tập trung (OTC) trong nửa năm qua.
Nếu HNX cũng từ chối FLC, cổ phiếu này sẽ chịu chung số phận với ROS, tức là không được giao dịch trên các thị trường tập trung. Nhà đầu tư vẫn sở hữu cổ phiếu, nhưng việc mua bán sẽ khó khăn và bất tiện hơn trước.
Nếu HNX chấp nhận đăng ký giao dịch FLC tại thị trường UPCoM, Tập đoàn FLC vẫn cần giải quyết vấn đề về báo cáo tài chính nhằm tuân thủ các quy định liên quan tới công bố thông tin.
Điều 33 của Quy chế Đăng ký và Quản lý giao dịch chứng khoán chưa niêm yết ban hành ngày 16/11/2022 nêu rõ: Cổ phiếu ở UPCoM sẽ vào diện cảnh báo nếu doanh nghiệp chưa họp đại hội đồng cổ đông thường niên trong thời hạn tối đa kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính theo quy định.
Điều 34 của quy chế trên cho biết: Cổ phiếu ở UPCoM sẽ bị hạn chế giao dịch nếu doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin.
Tính đến hôm nay 24/2/2023, Tập đoàn FLC đã chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2021 gần một năm (hạn chót là 31/3/2022) và chậm nộp báo cáo tài chính bán niên soát xét 2022 hơn 6 tháng (hạn chót là 14/8/2022). Vì chưa có báo cáo tài chính năm 2021 nên FLC cũng chưa thể tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022 dù hiện tại đã là năm 2023.
Như vậy, nếu được đăng ký giao dịch ở UPCoM thì cổ phiếu FLC cũng sẽ rơi vào diện cảnh báo và hạn chế giao dịch.
Chưa hết, Điều 35 và 36 của Quy chế Đăng ký và Quản lý giao dịch chứng khoán UPCoM cho biết nếu doanh nghiệp không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo thì cổ phiếu có thể bị tạm ngừng hoặc đình chỉ giao dịch ở UPCoM.
Trong lịch sử có trường hợp cổ phiếu KSS của Công ty cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico bị hủy niêm yết bắt buộc khỏi HOSE vào ngày 13/7/2016 vì vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin. Trước đó, Chủ tịch HĐQT của KSS cũng bị khởi tố, khá tương đồng với hoàn cảnh của FLC.
Cổ phiếu KSS được chấp thuận đăng ký vào UPCoM từ ngày 16/8/2018 nhưng không được giao dịch một ngày nào do không khắc phục được nguyên nhân vi phạm công bố thông tin.