Trong tài chính, vốn chủ sở hữu là quyền sở hữu tài sản có thể có các khoản nợ hoặc nghĩa vụ tài sản khác gắn liền với chúng. Vốn chủ sở hữu được đo lường cho các mục đích kế toán bằng cách lấy giá trị tài sản trừ đi các khoản nợ phải trả. Vậy để hiểu rõ hơn về nguồn vốn chủ sở hữu là gì chúng ta cùng đi tìm hiểu nội dung trong bài viết dưới đây.
Vốn chủ sở hữu là gì?
Cơ cấu vốn của mỗi doanh nghiệp được phân làm hai loại là vốn nợ và vốn chủ sở hữu. Vậy vốn chủ sở hữu là gì và đâu là nguồn hình thành nên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp?
Vốn chủ sở hữu ((Owner’s Equity) là các nguồn vốn thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp và các thành viên trong công ty liên doanh hoặc các cổ đông trong các công ty cổ phần. Các chủ sở hữu góp vốn để cùng nhau tiến hành một hoạt động sản xuất, kinh doanh và cùng chia sẻ lợi nhuận tạo ra từ các hoạt động này của doanh nghiệp cũng như cùng gánh chịu những khoản lỗ nếu kinh doanh không có lãi.
Trong trường hợp đơn vị phá sản hoặc ngừng hoạt động, loại vốn này được ưu tiên trả các khoảng nợ rồi mới chia đều cho các cổ đông theo tỷ lệ góp vốn của họ. Hiểu theo cách đơn giản thì vốn chủ sở hữu sẽ là tổng tài sản của doanh nghiệp trừ đi nợ phải trả.
Phân biệt vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ như thế nào?
Thứ nhất, về bản chất:
- Vốn điều lệ thực chất là khoản tài sản mà chủ thể đưa vào công ty để góp vốn trở thành chủ sở hữu của công ty đó.
- Vốn chủ sở hữu là khoản tài sản mà những chủ thể đã là chủ sở hữu của công ty thu lại được trong quá trình vận hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ hai, về chủ sở hữu:
- Vốn điều lệ thuộc sở hữu của các cá nhân, tổ chức góp hoặc cam kết góp để thành lập doanh nghiệp.
- Vốn chủ sở hữu có thể là Nhà nước, các cá nhân hoặc tổ chức tham gia góp vốn, cũng có thể là các cổ đông mua và nắm giữ cổ phiếu.
Thứ ba, cơ chế hình thành:
- Vốn điều lệ được hình thành dựa trên vốn do các cá nhân hoặc các tổ chức cam kết góp trong một thời hạn nhất định.
- Vốn chủ sở hữu có thể hình thành do nhà nước cấp, do doanh nghiệp bỏ ra để góp vốn cổ phần, bổ sung từ lợi nhuận để lại.
Thứ tư, về ý nghĩa:
- Vốn điều lệ là sự cam kết mức trách nhiệm vật chất của các thành viên với khách hàng và đối tác. Có thể nói, đây là vốn đầu tư cho hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời là cơ sở để phân chia lợi nhuận và rủi ro trong kinh doanh đối với các thành viên góp vốn.
- Vốn chủ sở hữu sẽ phản ánh số liệu và tình hình tăng, giảm các nguồn vốn thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp và các thành viên góp vốn trong doanh nghiệp.
Vốn chủ sở hữu gồm những gì?
Vốn chủ sở hữu sẽ bao gồm:
- Vốn cổ đông
- Thặng dư vốn cổ phần
- Cổ phiếu quỹ
- Lãi chưa phân phối
- Quỹ dự phòng tài chính
- Quỹ khen thưởng và phúc lợi
- Quỹ đầu tư và phát triển
- Một số các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu…
Vốn chủ sở hữu có được từ các nguồn nào?
Vốn chủ sở hữu được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, phổ biến nhất là các nguồn:
- Số tiền do các nhà đầu tư góp vốn
- Lợi nhuận được tạo ra bởi quá trình sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp
- Chênh lệch do đánh giá lại tài sản sau một thời gian hoạt động
- Các nguồn khác
Ý nghĩa của việc tăng giảm vốn chủ sở hữu
Vốn chủ sở hữu tăng
- Khi chủ sở hữu góp thêm vốn
- Bổ sung vốn từ lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp, từ các quỹ thuộc vốn thuộc chủ sở hữu
- Khi cổ phiếu phát hành cao hơn mệnh giá
- Giá trị của quà biếu, tài trợ, tặng trừ đi thuế phải nộp là số dương và được các cấp thẩm quyền cho phép ghi tăng Vốn chủ sở hữu
Vốn chủ sở hữu giảm
- Khi doanh nghiệp phải hoàn vốn góp cho chủ sở hữu vốn;
- Khi cổ phiếu phát hành ra thấp hơn mệnh giá;
- Khi doanh nghiệp giải thể, không hoạt động nữa;
- Khi phải bù lỗ cho hoạt động kinh doanh theo quy định của các cấp thẩm quyền;
- Khi hủy bỏ cổ phiếu quỹ (đối với công ty cổ phần).
Nguồn vốn chủ sở hữu phổ biến tại Việt Nam
Với các loại hình doanh nghiệp khác nhau thì vốn chủ sở hữu cũng được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau như:
- Doanh nghiệp nhà nước: Nguồn vốn chủ sở hữu là vốn hoạt động do nhà nước cấp hoặc đầu tư. Do vậy chủ sở hữu vốn là nhà nước.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH): Nguồn vốn được hình thành do các thành viên tham gia thành lập công ty góp vốn. Và các thành viên này chính là chủ sở hữu vốn.
- Công ty cổ phần: Nguồn vốn chủ sở hữu là vốn của các cổ đông. Vì vậy, chủ sở hữu vốn ở đây là các cổ đông.
- Công ty hợp danh: Nguồn vốn được đóng góp bởi các thành viên tham gia thành lập công ty. Do vậy các thành viên này chính là chủ sở hữu vốn.
- Doanh nghiệp tư nhân: Nguồn vốn của doanh nghiệp là do chủ doanh nghiệp đóng góp. Vì thế, chủ sở hữu vốn sẽ là chủ doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp liên doanh: Việc liên doanh có thể được liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau hoặc doanh nghiệp trong nước với nước ngoài.
Trong trường hợp này, vốn chủ sở hữu được đóng góp bởi các thành viên góp vốn là các tổ chức, cá nhân… Do đó chủ sở hữu là các thành viên tham gia góp vốn liên doanh. Mỗi doanh nghiệp thường sẽ huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau nên cũng có thể có một hoặc nhiều chủ sở hữu vốn và số vốn này được sử dụng trong suốt thời gian tồn tại của doanh nghiệp.
Ngoài ra, trong quá trình kinh doanh, nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp có thể được bổ sung từ lợi nhuận kinh doanh thu được, các khoản chênh lệch đánh giá lại tài sản hoặc các quỹ của doanh nghiệp…
Vì thế, nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp thường cũng có thể được bổ sung thông qua sự đóng góp của các nhà đầu tư để thành lập mới hoặc mở rộng quy mô doanh nghiệp. Chủ sở hữu vốn có thể là nhà nước, cá nhân hoặc tổ chức tham gia góp vốn, cũng có thể là các cổ đông mua và nắm giữ cổ phiếu.
Tùy thuộc vào loại hình và đặc thù riêng của từng doanh nghiệp mà cơ cấu vốn chủ sở hữu cũng thay đổi.
Cách tính vốn chủ sở hữu
Sau khi đã hiểu rõ Vốn chủ sở hữu là gì rồi thì bạn cần phải biết cách tính vốn chủ sở hữu. Vốn chủ sở hữu có thể được tính bằng cách xác định giá trị của nó dựa trên các tài sản như đất đai, nhà cửa, vốn hàng hóa, hàng tồn và các khoản thu nhập khác. Sau đó, chúng ta lấy giá trị của các tài sản này trừ đi các khoản nợ và chi phí khác.
Công thức tính vốn chủ sở hữu được áp dụng như sau: Vốn chủ sở hữu = Tổng Tài sản – Nợ phải trả.
Kết luận
Vậy qua bài viết trên chắc hẳn bạn đã phần nào hiểu hơn về Vốn chủ sở hữu là gì? và Sự khác biệt giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ? Hiểu được các khái niệm trên và xác định được tầm quan trọng của loại vốn này đối với doanh nghiệp sẽ giúp bạn có những định hướng và kế hoạch đầu tư tối ưu hơn. Trên đây là bài viết được chia sẻ bởi Taichinhtindung.net. Chúc bạn đầu tư thành công!