An ninh tài chính là gì
Theo quan điểm của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ, an ninh tài chính có thể được tăng cường thông qua sự hiện hữu của hệ thống hoạt động trơn tru. Đây là một quan điểm tổng thể và bao gồm hệ thống thanh toán, cơ sở hạ tầng về công nghệ cũng như khung quản lý và giám sát. Giữa an toàn tài chính và an ninh tài chính có mối liên kết chặt chẽ.
Theo tài liệu An ninh tài chính quốc gia lý luận cảnh bảo, đối sách – Nhà xuất bản tài chính tháng 7 năm 2004 của nhóm tác giả do Giáo sư, tiến sỹ khoa học Tào Hữu Phùng (chủ biên) và tài liệu nghiên cứu của nhóm tác giả Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính, an ninh tài chính có khái niệm như sau: An ninh tài chính trong tiếng Anh được gọi là Financial security. An ninh tài chính là khái niệm để chỉ một tình trạng tài chính ổn định, an toàn và vững mạnh.
– Ổn định được hiểu là duy trì được hoạt động bình thường, không có những biến động đột ngột, bất thường. Tuy nhiên, cần phải hiểu sự ổn định trong sự vận động và phát triển. Ổn định không có nghĩa là cố gắng giữ nguyên mọi thứ như cũ mà là giữ được ổn định trong tiến trình phát triển đi lên, không ngừng cải tiến và hoàn thiện.
– An toàn được hiểu là trạng thái không bị nguy hiểm do các tác động bên trong và bên ngoài. Giữ được an toàn đồng nghĩa với không tự mình gây hại cho mình đồng thời ngăn chặn và chống lại được sự tấn công phá hoại từ bên ngoài. Nếu ổn định là tiền đề có tính chất nền tảng thì an toàn là cốt lõi chi phối toàn bộ quá trình vận động của tình trạng tài chính.
– Vững mạnh là cơ sở cho sự ổn định và an toàn, một trạng thái tài chính yếu không thể giữ được ổn định và đảm bảo an toàn.
– Khủng hoảng là giới hạn cuối cùng của sự mất an ninh tài chính, tránh được khủng hoảng là mục tiêu tối thượng của mọi giải pháp đảm bảo an ninh tài chính. Khủng hoảng tài chính bao trùm gắn với mất cân đối tài chính, gắn với nghĩa vụ phải thanh toán lớn hơn nhiều phương tiện dùng để thanh toán tại một thời điểm nào đó.
Tính hệ thống và phân loại
– Tính hệ thống của an ninh tài chính là an ninh của từng bộ phận gắn liền với an ninh của hệ thống, có mối quan hệ tương tác và phụ thuộc lẫn nhau về mặt tổ chức và địa lí.
An ninh từng quốc gia không tách rời an ninh khu vực và toàn cầu, đồng thời cả về mặt đối tượng và nội dung của an ninh như an ninh kinh tế liên quan chặt chẽ với an ninh chính trị, an ninh xã hội, an ninh thông tin, an ninh tài chính…
– Có nhiều cách thức để phân loại an ninh tài chính. Chúng ta có thể phân loại an ninh tài chính theo chức năng tài chính như sau:
+ An ninh tài chính trong huy động các nguồn lực tài chính.
+ An ninh tài chính trong phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính.
Nguồn gốc của các vấn đề an ninh tài chính
Tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính trở thành vấn đề rất đáng lưu ý với tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp. Theo đó, có 6 nguyên nhân chính khiến cho tình trạng tội phạm tài chính càng ngày càng gia tăng.
– Thứ nhất, do tác động của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và kinh tế trong nước suy giảm, hoạt động đầu tư thương mại và sản xuất kinh doanh trì trệ kéo theo những khó khăn trong hoạt động tài chính nên vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính có chiều hướng gia tăng.
– Thứ hai, hệ thống quản trị, kiểm soát, kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng còn hạn chế, có lúc, có nơi chưa theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường đang hội nhập ngày càng lâu, rộng, dẫn đến sơ hở trong quản lí, điều hành, chưa phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, chậm hoặc không phát hiện được các hành vi vi phạm, tiêu cực, tham nhũng.
Hơn nữa, hệ thống công nghệ, năng lực quản trị rủi ro và trình độ cán bộ hiện nay còn bất cập, trong khi đó các loại tội phạm mới, nhất là tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi và chưa được cảnh báo kịp thời.
– Thứ ba, vì sức ép lợi nhuận, sức ép thành tích nên một số tổ chức tài chính đã nới lỏng điều kiện tín dụng, không tuân thủ nghiêm túc một số trình tự, thủ tục, qui định cho vay; không chuyển nhóm nợ theo qui chế; cho vay không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo không đủ thủ tục pháp lí…
– Thứ tư, sự suy thoái đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ, thậm chí có cả cán bộ cấp cao của các tổ chức tài chính.
Hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, ban điều hành của một số tổ chức tín dụng còn buông lỏng quản lí và chưa thực sự quan tâm, chưa có biện pháp phòng, chống tham nhũng, tội phạm có hiệu quả. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ nhân viên có nơi, có lúc còn làm chưa tốt.
– Thứ năm, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách quản lí đối với hoạt động tiền tệ, ngân hàng còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh hội nhập quối tế ngày càng sâu rộng, công nghệ thông tin ngày càng hiện đại, hoạt động ngân hàng ngày càng phát triển nhanh, đa dạng, phức tạp và tình hình tham nhũng, tội phạm cũng ngày càng tinh vi.
– Thứ sáu, công tác thanh tra, giám sát thị trường tài chính mặc dù đã có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc phát hiện và xử lí các hành vi tham nhũng, tiêu cực và tội phạm; nhiều vụ việc phát sinh không được phát hiện kịp thời.
Việc phối họp, trao đổi thông tin giữa cơ quan bảo vệ pháp luật với các đơn vị thanh tra, giám sát ngân hàng có thời điểm chưa được kịp thời, nhất là trong việc phối hợp thu hồi tài sản thất thoát, trao đổi thông tin, kinh nghiệm và các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tội phạm…
(Tài liệu tham khảo: Cơ sở lí luận về an ninh tài chính, Trung tâm Bồi dưỡng Đại biểu Dân cử)