Chuyên trang Business Insider đã mời các chuyên gia tài chính cá nhân tham gia series Master Your Money để chia sẻ về cách xử lí khoản nợ sinh viên. Dưới đây là 3 gợi ý của họ về những động thái thông minh nhất cần thực hiện ngay hôm nay để giải quyết các khoản nợ vay sinh viên của bạn.
1. Thẳng thắn đối mặt với khoản nợ của bạn
Bà Alison Hutchinson, phó chủ tịch của công ty dịch vụ tài chính Brown Brothers Harriman (Mỹ) nói rằng việc tự nhận thức và đối diện với khoản nợ vay sinh viên là điều thông minh nhất bạn có thể làm.
“Sai lầm mà nhiều bạn trẻ mắc phải là cảm thấy ngại ngùng và muốn trốn tránh các khoản nợ đó nhưng bạn cần biết chính xác những gì mình phải đối mặt. Trong trường hợp này các khoản nợ vay sinh viên buộc phải trả khi ra trường. Đó cũng là cách để bạn tìm ra ý tưởng để tiếp cận và giải quyết khoản nợ sinh viên đó”.
Lời khuyên của bà là bạn hãy bắt đầu với một danh sách: “Điều tốt nhất mà mọi người có thể làm khi có bất kì loại nợ nào, bao gồm cả nợ vay sinh viên là xây dựng bảng cân đối chi tiêu cá nhân”, bà nói. “Nó không cần phải cầu kì, có thể chỉ được làm thủ công hoặc sử dụng bảng tính excel đơn giản trong đó bao gồm thông tin về khoản nợ và một bên là tài sản cũng như thu nhập bạn có”.
Trong bảng bạn tạo, hãy bao gồm mọi thông tin bạn biết về các khoản nợ vay sinh viên của mình với mức lãi suất, số tiền phải thanh toán theo định kì và tổng số tiền. Mặt khác, bạn cũng đừng quên lưu ý về tiền lương của bạn và bất kì thu nhập nào khác ở bên ngoài. Khi mới ra trường, bạn có thể chưa kiếm được nhiều nhưng ít nhất phải hiểu rõ về những gì bạn nợ và tài nguyên bạn có sẵn để trả.
2. Sắp xếp khoản nợ vay sinh viên và lên kế hoạch trả nợ
Một chuyên gia tài chính cá nhân khác là Carmen Perez từ Make Real Cents (Mỹ) chỉ ra rằng sự nhầm lẫn thường cản trở việc thanh toán các khoản nợ.
“Lời khuyên lớn nhất của tôi, một lời khuyên thực tế và không hào nhoáng là hãy quan tâm tới ngân sách, chi tiêu và các kế hoạch tài chính”, bà Perez nói. “Rất nhiều bạn trẻ vì khoản nợ vay sinh viên mà chạy vòng quanh như những con gà bị cắt đầu vì họ không hiểu mình kiếm được bao nhiêu, tiêu vào đâu”.
Mọi người có xu hướng nghĩ về ngân sách là sự hạn chế và phải “thắt lưng buộc bụng”, nhưng thực sự thì đó chỉ là lên kế hoạch trước để quyết định tiền của bạn sẽ chi tiêu cho những khoản nào. Bao nhiêu tiền cho thực phẩm? Bao nhiêu cho hoá đơn điện nước, tiền nhà? Bao nhiêu để dành tiết kiệm và trả khoản nợ vay sinh viên? Quyết định lập ngân sách thực tế sẽ giúp bạn theo dõi, kiếm soát tiến trình và tiến về phía trước.
3. Có người đáng tin tưởng hỗ trợ, giúp đỡ khi cần
Cuối cùng, bà Aditi Shekar, người sáng lập và giám đốc điều hành của ứng dụng quản lý tiền Zeta đề nghị các bạn trẻ mới ra trường hãy tìm kiếm ai đó như bạn bè hoặc người thân thiết đáng tin cậy, giúp bạn kiên trì nỗ lực thực hiện kế hoạch trả khoản nợ vay sinh viên. Họ có thể giúp bạn lập kế hoạch tài chính cá nhân, chỉ ra những điểm chưa phù hợp hoặc thậm chí là giúp bạn khi cần thiết.
“Mọi người thường thực sự sợ hãi và lo lắng cũng như căng thẳng khi nói về tiền bạc”, bà giải thích. “Tôi luôn khuyến khích các bạn tìm kiếm một người có thể giúp đỡ. Chỉ cần họ đáng tin, gần gũi, thông minh hoặc có kinh nghiệm quản lý tài chính và trả khoản nợ vay sinh viên”.