Theo tổng hợp từ số liệu của 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính tỷ lệ nợ xấu của hầu hết nhà băng đều ghi nhận tăng so với cuối năm 2022. Chỉ còn hai ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm là SHB và Kienlongbank.
Bac A Bank tiếp tục là nhà băng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất ở mức 0,71%, tăng khoảng 16 bps (điểm cơ bản) so với cuối năm trước. Vietcombank cũng duy trì vị trí thứ hai với tỷ lệ nợ xấu đạt 0,83% (có cải thiện so với thời điểm cuối quý I). Techcombank đánh mất vị trí thứ ba vào tay ACB, khi tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này đạt 1,07% vào cuối quý II/2023, chỉ nhỉnh hơn 1 bps so với ACB.
Những nhà băng còn lại trong nhóm 10 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất cuối quý II gồm: VietinBank, MB, BIDV, Kienlongbank, SeABank và Sacombank.
Tính đến cuối tháng 6, đại diện cuối cùng của nhóm Big4 là Agribank nằm ở vị trí thứ 11 trên bảng xếp hạng. Vào cuối năm ngoái, nhà băng này từng xếp thứ 17/29 ngân hàng xét theo tỷ lệ nợ xấu. Xét trên quy mô toàn hệ thống (gồm 29 nhà băng đã báo cáo), nợ xấu đã đạt 2,07% tổng cho vay khách hàng, tăng 43 bps so với cuối năm ngoái.
Theo số liệu từ Hiệp hội ngân hàng (VNBA), đến cuối quý II, nợ xấu của các TCTD gia tăng mạnh so với trước, nợ xấu tiềm ẩn đến nay 5,34%, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trên 3%, một số ngân hàng, công ty tài chính nợ xấu tăng đột biến trên 5%.
Nhiều chuyên gia phân tích nhận định nợ xấu ngân hàng tiếp tục chịu áp lực gia tăng trong năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp gần như đóng băng.
Tuy nhiên, nhờ việc tăng cường trích lập dự phòng rủi ro trong thời gian qua cùng với những kinh nghiệm dày dặn đã tích luỹ trong 15 năm qua, các chuyên gia cho rằng nợ xấu vẫn đang trong tầm kiểm soát và không gây ra rủi ro hệ thống cho các ngân hàng.
Theo khảo sát gần đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các TCTD đánh giá rằng tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng có biểu hiện “tăng nhẹ” trong quý II/2023 nhưng được kỳ vọng giảm trong quý III/2023.