Mô hình kinh tế thị trường xã hội
Khái niệm
Mô hình kinh tế thị trường xã hội trong tiếng Anh được gọi là Social market economy – SOME hay Rhine capitalism hay Social capitalism.
Mô hình kinh tế thị trường xã hội thừa nhận các yếu tố cơ bản phổ biến của kinh tế thị trường, nhưng khác với mô hình kinh tế thị trường tự do, nó coi các mục tiêu xã hội và phát triển con người (công bằng xã hội, phúc lợi cho người nghèo và cho người lao động, quyền tự do phát triển của mọi người dân,…) là mục tiêu chính của quá trình phát triển kinh tế thị trường và nhà nước cần dẫn dắt nền kinh tế đạt được các mục tiêu này.
Đặc điểm
Mô hình này đề cao vai trò điều tiết của nhà nước để thúc đẩy phát triển không chỉ cho mục tiêu tăng trưởng và hiệu quả kinh tế mà còn cho cả nhiệm vụ phát triển xã hội và con người.
Việc triển khai mô hình kinh tế thị trường xã hội trên thực tế đã mang lại những kết quả phát triển tích cực, không chỉ ở một vài nước, tại một vài thời điểm riêng lẻ mà kéo dài trong nhiều thập niên. Điều này xác nhận ưu điểm của mô hình kinh tế thị trường xã hội.
Đối với mô hình kinh tế thị trường xã hội được thực hiện thành công ở khá nhiều nước Tây Bắc Âu, điển hình là Đức (khởi nguồn của mô hình kinh tế thị trường xã hội), Thuỵ Điển, Na Uy và Phần Lan. Xét theo tính chất đặc trưng, mô hình này còn có mặt ở một số nước khác như Đan Mạch, Hà Lan, Pháp và Bỉ với những mức độ khác nhau.
Thuật ngữ liên quan
Kinh tế thị trường là nền kinh tế tôn trọng các qui luật của thị trường. Trong đó, các quyết định kinh tế được thực hiện một cách phi tập trung bởi các cá nhân người tiêu dùng và công ty. Việc định giá hàng hóa và phân bổ các nguồn lực của nền kinh tế, về cơ bản, được tiến hành theo qui luật cung cầu.
(Tài liệu tham khảo: Một số vấn đề về chính sách tài khoá và chu kì kinh tế trong nền kinh tế thị trường, Trung tâm Bồi dưỡng Đại biểu Dân cử)